(Dân trí) – Bơi và chạy đều là những hình thức tập luyện tuyệt vời để tăng cường sức khỏe tim mạch và đốt cháy calo. Lợi ích của chúng là gì và bạn nên chọn bộ môn nào?
Bơi lội giúp tăng nhịp tim, tăng cường và làm săn chắc các cơ trên và dưới của cơ thể, đồng thời đốt cháy calo, trong khi ít ảnh hưởng đến xương khớp.
Chạy bộ giúp làm săn chắc phần thân dưới của bạn, đốt cháy calo và vì đây được coi là một bài tập thể dục chịu trọng lượng nên nó cũng giúp ngăn ngừa mất xương.
Khả năng đốt cháy calo, chất béo
Theo Healthline, khi nói đến số lượng calo bạn có thể đốt cháy khi bơi hoặc chạy, trước tiên bạn phải hiểu rằng lượng calo đốt cháy dựa trên một số yếu tố, bao gồm cân nặng và cường độ tập luyện của bạn.
Về việc đốt cháy chất béo, nhà vật lý trị liệu Jena Gatses (Mỹ), cho biết có nhiều yếu tố cần xem xét. Tập luyện xen kẽ là cách mà một người có thể đảm bảo rằng họ đốt cháy nhiều calo hơn và kết quả là giảm mỡ cơ thể và bụng.
Cả chạy bộ và bơi đều là cách tập luyện tốt cho tim mạch (Ảnh: Shutterstock).
Tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT) bao gồm các đợt tập luyện mạnh mẽ ngắn, sau đó là các giai đoạn phục hồi cường độ thấp. Mặc dù bạn tập luyện với thời gian ít hơn nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại hình tập luyện này mang lại lợi ích sức khỏe gấp đôi so với hoạt động cường độ vừa phải.
Theo Gatses, bạn có thể thực hiện các bài tập luyện cường độ cao ngắt quãng bằng cả chạy và bơi. Tổng lượng calo bạn đốt cháy dựa trên cường độ tập luyện, liên quan trực tiếp đến nhịp tim của bạn.
Ví dụ: khi bạn thực hiện chạy nước rút, nhịp tim của bạn sẽ tăng cao trong một khoảng thời gian ngắn. Đó là lý do tại sao thực hiện nhiều lần chạy nước rút với thời gian nghỉ ngắn hơn có thể cực kỳ có lợi cho việc đốt cháy calo và chất béo.
Điểm mấu chốt là cả chạy và bơi đều là những lựa chọn tập thể dục hiệu quả để đốt cháy calo và chất béo.
Lợi ích của bơi là gì?
– Bơi là hình thức vận động ít ảnh hưởng đến các khớp.
Một trong những lợi ích chính của việc bơi lội là nó giúp các khớp của bạn dễ chịu hơn. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn bị viêm khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc các tình trạng khác gây đau khớp. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy bơi lội, như một biện pháp can thiệp tập thể dục, giúp giảm cứng khớp và đau khớp.
– Nó là bài tập phù hợp cho người phục hồi sau chấn thương.
Bơi lội cũng là một lựa chọn phổ biến cho những người đang hồi phục sau chấn thương, đặc biệt là chấn thương phần dưới cơ thể. Sức nổi của nước mang lại nhiều hỗ trợ hơn cho cơ và khớp của bạn. Điều này cho phép bạn tập luyện chăm chỉ hơn và ít tác động lên cơ thể hơn so với các hình thức vận động trên bờ khác.
– Nó cung cấp rất nhiều cách để đốt cháy calo.
Bạn có thể xen kẽ giữa các vòng bơi bằng các động tác khác nhau, tăng thêm lực cản bằng đai dưới nước hoặc tạ ở cổ tay và mắt cá chân hoặc tập luyện toàn thân trong hồ bơi.
– Nó là một bài tập toàn thân.
Bơi lội đòi hỏi bạn phải sử dụng nhiều cơ bắp trên cơ thể, điều này khiến nó trở thành một bài tập luyện toàn thân tuyệt vời. Chạy, mặc dù rất tốt cho phần thân dưới của bạn, nhưng lại không tác động đến các cơ ở lưng, ngực, cánh tay hoặc vai của bạn giống như bơi lội.
Lợi ích của việc chạy bộ là gì?
– Đốt cháy nhiều calo.
Chạy bộ là sự lựa chọn tuyệt vời nếu bạn muốn đốt cháy nhiều calo. Bạn chạy càng nhanh, bạn sẽ càng đốt cháy nhiều năng lượng. Để tăng hiệu quả bạn có thể xen kẽ giữa chạy bộ và đi bộ.
Chẳng hạn, chạy với tốc độ nhanh trong 2 phút, sau đó đi bộ trong 1 phút, lặp lại trong 30 phút.
– Đó là một bài tập chịu trọng lượng.
Chạy cho phép bạn tăng mật độ xương thông qua hoạt động chịu trọng lượng. Bơi lội không có lợi ích này. Các bài tập chịu trọng lượng như chạy bộ, đi bộ và đi bộ đường dài là những hoạt động tốt cho xương nhất vì chúng yêu cầu bạn phải hoạt động chống lại trọng lực.
– Thật dễ dàng để bắt đầu.
Để bơi lội bạn cần có hồ bơi, trong khi để chạy bộ bạn chỉ cần một đôi giày tốt và có thể chạy ngoài trời hoặc trên máy.
– Giúp bổ sung vitamin D cho cơ thể.
Chạy bộ ngoài trời cũng có thể tăng mức vitamin D của bạn. Bạn cần nhớ bôi kem chống nắng và tránh chạy trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, khi tia nắng mặt trời mạnh nhất.
Bơi hay chạy: Bạn nên chọn bộ môn nào?
Gatses cho biết cả bơi lội và chạy đều là những hoạt động tốt cho tim mạch, vì vậy nó chủ yếu phụ thuộc vào sở thích cá nhân, tình trạng sức khỏe và lối sống của bạn.
Hãy cân nhắc những câu hỏi này khi cố gắng quyết định loại bài tập nào phù hợp với bạn.
– Bạn có bị đau khớp?
Nếu bạn bị viêm khớp hoặc các loại đau khớp khác, bạn có thể chọn bơi lội thay vì chạy. Bơi lội giúp giảm căng thẳng cho khớp của bạn, khiến nó trở thành một hình thức tập thể dục nhẹ nhàng hơn và ít có khả năng làm trầm trọng thêm các vấn đề về khớp.
– Bạn có muốn tăng cường sức mạnh cho phần thân trên của mình không?
Nếu việc tăng cường và làm săn chắc phần thân trên của bạn là ưu tiên hàng đầu thì bơi lội có lẽ là một lựa chọn tốt hơn. Đó là bởi vì bơi lội mang lại một bài tập toàn thân nhằm vào hầu hết các nhóm cơ chính của bạn.
– Bạn có muốn cải thiện sức khỏe xương của mình?
Nếu bạn đang cố gắng tập luyện nhiều hơn để giúp ngăn ngừa loãng xương thì chạy bộ có thể là lựa chọn tốt hơn.
– Bạn có bị chấn thương phần cơ thể dưới không?
Nếu bạn bị chấn thương đầu gối, mắt cá chân, hông hoặc lưng, bơi lội có thể là lựa chọn an toàn hơn vì ít tác động đến khớp của bạn hơn.
– Bạn có bị chấn thương vai không?
Nếu bạn bị chấn thương ở vai, chạy bộ có thể là lựa chọn tốt hơn.
dantri.com.vn