Cách đây không lâu, mọi người hoang mang khi phát hiện những tiểu thương cho lõi pin vào nồi bánh chưng để luộc bánh nhanh chín và có màu đẹp. Mới đây, người tiêu dùng lại tiếp tục lo lắng với sức khỏe đang ngày càng bị đe dọa khi cơ quan chức năng Đắk Nông vừa bắt quả tang cơ sở dùng lõi pin đập nhuyễn để nhuộm cà phê phế phẩm. Các chuyên gia cho biết, người sử dụng cà phê “bẩn” nhuộm bằng pin có nguy cơ ngộ độc nhiều loại kim loại, đặc biệt là ngộ độc Mangan nguy hiểm tới tính mạng.
Bài Viết Liên Quan
- Bệnh viện FV cam kết xét nghiệm Covid-19 miễn phí
- In 3D thành công lá gan người có đầy đủ chức năng sống
- Mối nguy hiểm khi F0 tự dùng máy tạo oxy tại nhà
Cà phê hiện nay được làm giả, không đảm bảo chất lượng rất nhiều (Ảnh minh họa)
Phân tích về vấn đề này, PGS Trần Hồng Côn, Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) nhấn mạnh, người sử dụng có nguy cơ nhiễm độc Mangan nếu uống cà phê được nhuộm đen bằng pin.
Phó giáo sư giải thích loại pin chúng ta thường dùng là pin khô. Loại pin này có cấu tạo 2 cực ở giữa là lõi than chì, chung quanh lõi than chì bao bọc một lớp Mangan dioxit (MnO2). Ngoài lớp Mangan dioxit đó còn có lớp Amoni clorua và một số hoạt chất pha thành gel. Ngoài cùng gel là vỏ kẽm.
Khi pin hỏng, kẽm sẽ bị mòn gần hết, còn lại Mangan dioxit bị thẩm thấu Amoni clorua và các hoạt chất nên không thể phát điện được nữa. Nếu bỏ lõi đi sẽ chỉ còn chủ yếu là bột Mangan dioxit. Một số ion kẽm, Amoni clorua và hoạt chất có thể ngấm vào trong lõi Mangan dioxit.
Theo phó giáo sư Côn, Mangan dioxit là một chất có thế oxy hóa khử rất cao nên khi gặp các chất hữu cơ, đường, muối Amoni clorua, muối có tính chất khử như muối sunfit sẽ khử từ Mangan dioxit thành ion mangan 2+.
“Nếu ion mangan 2+ tan vào trong nước, con người ăn phải đi theo đường dạ dày sẽ tan ra và đi vào máu dễ dàng.
Tuy Mangan là một nguyên tố thiết yếu trong cơ thể như sắt nhưng một khi nồng độ cao hơn ngưỡng cho phép sẽ gây bệnh ngộ độc Mangan. Chứng ngộ độc Mangan rất nguy hiểm, đặc biệt nhuộm cà phê bằng nước pha lõi pin còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Người tiêu dùng sử dụng ly cà phê như vậy hàng ngày rất dễ nhiễm độc Mangan”, PGS. Côn giải thích.
Chậu chứa các cục pin đập nát để lấy bột mang đi nhuộm cà phê.
Cũng theo các chuyên gia y tế, nếu lượng Mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Mangan đặc biệt có hại cho trẻ bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều Mangan trong khi tiết thải ra ngoài rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ Mangan trong cơ thể trẻ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nước nhiễm Mangan.
Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan trong thời gian dài hay nhiễm độc mangan từ nước uống sẽ làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường, tác động xấu tới cơ thể con người.
Theo Khám Phá