Ông T. nhập viện vì sốt cao, đau đầu, nôn, trên da có ban xuất huyết hoại tử màu tím đen, chẩn đoán suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết. Bác sĩ nói nếu vào viện chậm một ngày, ông không còn khả năng cứu chữa.
Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đầu tuần trước, tiên lượng rất nặng. Người nhà cho biết ông có thói quen ăn tiết canh thường xuyên từ nhiều năm nay.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân 59 tuổi bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn , nhiễm trùng huyết, suy đa tạng. Nếu vào viện chậm 1 ngày, bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng kháng sinh, chống phù não, bù dịch,… Sau 3 ngày, người bệnh qua cơn nguy kịch, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Liên cầu khuẩn lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó chủ yếu có lợn và người. Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh…
Theo các bác sĩ, không ít nơi có tập tục ăn tiết canh hoặc các sản phẩm tái, sống để gặp may mắn vào dịp đầu năm, đầu tháng. Tuy nhiên, đây là những thực phẩm có thể khiến người ăn phải đi cấp cứu, thậm chí trả giá bằng tính mạng.
“Một bệnh nhân bị liên cầu lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không. Có những bệnh nhân vì quá nặng mà không thể qua khỏi”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết.
Thống kê của Bộ Y tế cách đây không lâu cho thấy khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, các bác sĩ khuyến cáo người dân:
– Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ.
– Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống.
– Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.