Số ca mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng tại TP. Hồ Chí Minh

Số ca mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng tại TP. Hồ Chí Minh

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, số ca mắc tay chân miệng trong tuần 23 trên địa bàn thành phố là 423, hầu hết các quận, huyện đều có số ca mắc tăng.


Số ca mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Trong tuần 23 (từ ngày 5-11/6), toàn thành phố ghi nhận 423 ca mắc tay chân miệng, tăng 142,4% so với trung bình 4 tuần trước (175 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 23 là 2.407 ca, giảm so với cùng kỳ năm 2022 (5.174 ca).

Trong tuần qua, ghi nhận hầu hết các quận, huyện đều có số ca mắc tăng so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước (19/22 quận huyện), trừ Quận 1, Quận 3 có số ca mắc không thay đổi so với trung bình 4 tuần trước và Quận 10 có số ca mắc giảm so với trung bình 4 tuần trước.

Để phòng chống bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lớp tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng cho các trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các trạm y tế trên địa bàn kiến thức về giám sát và phòng, chống dịch tay chân miệng tại cộng đồng, phát hiện sớm, chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát hoạt động phòng, chống tay chân miệng tại cộng đồng, các trường mầm non và nhóm trẻ trên địa bàn; tăng cường hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo phụ huynh thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.

2. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.

3. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

4. Theo dõi sát khi trẻ bị bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *