(Dân trí) – “3 năm qua tôi tự mua thuốc ở ngoài, phía quầy thuốc chỉ cấp cho hóa đơn tự in, nhiều khi là giấy viết tay. Khó đảm bảo yêu cầu về hóa đơn như trong dự thảo”, bệnh nhân chia sẻ.
Câu chuyện ông Nguyễn Đức Tâm, 68 tuổi, sống tại Hà Nội 3 năm đòi tiền bảo hiểm y tế (BHYT) cho thuốc Hydrocortisone 10mg (uống) do Bệnh viện Nội tiết Trung ương hết thuốc cấp, bệnh nhân tự ra ngoài mua, tới nay vẫn chưa có hồi kết.
Đến thời điểm hiện tại, phía bệnh viện thông tin đã mua được thuốc từ tháng 10/2023 và ông Tâm đã được cấp, cũng như có thể thanh toán bảo hiểm cho thuốc từ tháng 10/2023 trở đi.
Tuy nhiên, phía bệnh viện cho biết hiện vẫn chưa có căn cứ để thanh toán số thuốc Hydrocortisone 10mg ông Tâm đã tự mua trong thời gian trước khi nhập được thuốc.
Tức là số tiền ông Nguyễn Đức Tâm ròng rã gõ cửa cơ quan chức năng suốt 3 năm để “đòi” vẫn chưa biết khi nào mới được hoàn trả.
Thiếu hướng dẫn, người dân mòn mỏi, bệnh viện lúng túng
Nhận định về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội cho hay, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc hoàn trả tiền thuốc bảo hiểm do người dân tự mua ngoài.
Việc thiếu quy định rõ ràng không chỉ dẫn đến tình trạng người dân không thể thực hiện quyền của mình mà các cơ sở khám chữa bệnh cũng lúng túng trong việc thực hiện cơ chế hoàn trả tiền thuốc.
Luật sư Trần Xuân Tiền (bên phải), Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Ảnh: Đ.T).
Luật sư Tiền nhấn mạnh việc, nếu các cơ sở y tế đang có vướng mắc về các quy định pháp luật thì phải có các văn bản xin hướng dẫn của Bộ y tế và các cơ quan chức năng, bởi không chỉ vụ việc của ông Tâm mà còn nhiều vụ việc khác, để các cơ sở y tế thống nhất được cách giải quyết, tránh để vụ việc kéo dài nhưng quyền lợi của người dân vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Luật sư Tiền chỉ rõ, Thông tư 30/2018 của Bộ Y tế và Nghị định 146/2018 của Chính phủ quy định:
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm: “Cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh BHYT theo danh mục thuốc đã xây dựng”. Do đó, việc đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT là điều hết sức chính đáng và cần thiết.
Trường hợp người bệnh phải mua thuốc do cơ sở khám, chữa bệnh không cung ứng đủ thuốc là thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT không thuộc các trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại cơ quan BHXH theo khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi năm 2014 và khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2019/TT-BYT.
Đồng thời khoản 5 Điều 16 Quyết định 1399/QĐ-BHXH năm 2014 quy định “cơ sở y tế không cung ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, để người bệnh tự mua có trách nhiệm hoàn trả tiền cho người bệnh; tổng hợp thanh toán với cơ quan BHXH theo quy định.[…]”.
“Do đó, việc bệnh viện có trách nhiệm hoàn trả tiền thuốc cho người bệnh khi không cung ứng đủ thuốc là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Tiền nhấn mạnh.
Trên thực tế vụ việc của ông Tâm, ông đã được hoàn trả chi phí mua thuốc ngoài tại một bệnh viện trước đó ông đã điều trị. Tuy nhiên, những quy định này còn rất chung chung và dẫn tới các cơ sở y tế chưa thống nhất được cách giải quyết quyền lợi cho người dân.
Người bệnh lo “mất trắng” tiền thuốc tự mua từ trước
Vừa qua Bộ Y tế đã xây dựng và xin ý kiến về dự thảo “Thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho người dân tham gia BHYT trong trường hợp cơ sở y tế không cung cấp được thuốc, vật tư cho người dân”.
Đọc được thông tin về dự thảo, ông Nguyễn Đức Tâm vừa mừng, vừa lo. Mừng vì cơ quan chức năng đã có động thái xử lý vấn đề mình gặp phải bấy lâu.
Ông Tâm bày tỏ nỗi lo “mất trắng” khoản tiền đã tư bỏ ra để mua thuốc bảo hiểm suốt 3 năm qua (Ảnh: Đ.T.).
Thế nhưng nỗi lo lại lớn hơn khi một số quy định trong dự thảo này, theo ông, phía người bệnh khó có thể đáp ứng dẫn đến không thể thực hiện quyền lợi chính đáng về BHYT.
“Tôi lo mất trắng số tiền mình đã phải tự chi trả để mua thuốc trong danh mục BHYT suốt 3 năm qua”, ông Tâm trầm ngâm.
Theo ông, trong nội dung dự thảo, đã có hướng dẫn chi tiết về đối tượng và cách thức thanh toán tiền thuốc BHYT trong trường hợp cơ sở y tế không cung cấp được.
Tuy nhiên, lại không có hướng dẫn rõ ràng về việc hoàn trả chi phí thuốc, vật tư BHYT trong khoảng thời gian từ trước khi có thông tư như thế nào.
“Tôi lo lắng rằng khi không có hướng dẫn, quy định thật chi tiết về vấn đề này, các bên khi thực hiện lại lúng túng và rơi vào cảnh “chờ hướng dẫn” như tôi đang gặp bấy lâu nay”, ông Tâm phân tích.
Cũng theo ông Tâm, trong dự thảo có quy định để thực hiện thanh toán: “Người bệnh hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật của người bệnh xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế được chỉ định bởi cán bộ y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế hợp pháp, hợp lệ để làm căn cứ thanh toán”.
Theo ông, việc người bệnh có được hóa đơn hợp pháp, hợp lệ khi tự mua thuốc ở ngoài là rất khó.
“3 năm qua tôi tự mua thuốc ở ngoài, phía quầy thuốc chỉ cấp cho hóa đơn tự in, nhiều khi là giấy viết tay. Trong quá trình lưu trữ khó có thể đảm bảo không thất lạc.
Khó đảm bảo yêu cầu về hóa đơn và chưa kể là yêu cầu về cơ sở cung cấp thuốc như trong dự thảo, tôi lo rằng không thể giải quyết được quyền lợi của mình”, ông Tâm chia sẻ.
Việc mua thuốc ở ngoài có hóa đơn hợp lệ gây khó cho người bệnh (Ảnh minh họa: CTV).
Người đàn ông 68 tuổi này cũng bày tỏ bức xúc khi theo dự thảo, người dân phải gánh thêm trách nhiệm để được đáp ứng quyền lợi chính đáng của mình.
“Người dân phải tự ra ngoài mua thuốc vốn dĩ đã thêm phiền toái, nguy cơ và không đúng kỳ vọng của người dân khi tham gia BHYT.
Nay để đảm bảo quyền lợi của mình lại phải lấy hóa đơn hợp lệ, sau đó lại đến bảo hiểm xã hội nộp hồ sơ thanh toán. Việc này vừa mất thời gian, vừa vất vả, đặc biệt với các trường hợp người cao tuổi, bệnh tật như tôi.
Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải là lỗi của người bệnh, nhưng người bệnh lại phải có thêm “gánh nặng” vì vấn đề này”, ông Tâm nói.
Về dự thảo này, anh Hà Phương, 40 tuổi, nêu quan điểm với các trường hợp cần mua thuốc, vật tư y tế khẩn cấp, bệnh nhân cấp cứu thì rất khó thực hiện.
“Cách đây vài tháng, vợ tôi sinh cháu thứ hai. Con vừa chào đời, bác sĩ đã kê mua thêm một số thuốc ở bên ngoài. Tôi chưa kịp vào nhìn mặt con đã phải vội ra ngoài mua thuốc ngay”, anh Phương chia sẻ.
Theo anh trong trường hợp khẩn cấp như vậy, người nhà chỉ quan tâm việc mua thuốc nhanh nhất có thể, làm sao kiên nhẫn yêu cầu và chờ quầy thuốc cấp hóa đơn hợp lệ, hợp pháp để sau này làm căn cứ thanh toán.
Một độc giả khác của Dân trí cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự thảo này.
“Tôi chăm sóc bố nằm viện. Mỗi ngày lại được bác sĩ kê thêm một số thuốc, vật tư cần mua ở ngoài. Những đơn thuốc lắt nhắt như vậy chẳng lẽ lần nào cũng phải xin hóa đơn đỏ.
Thêm vào đó thủ tục hoàn trả cũng phức tạp nên nếu là tôi sẽ tặc lưỡi tự bỏ tiền túi”, độc giả này nêu ý kiến.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện công lập cũng cho rằng, người bệnh khó có thể đáp ứng được yêu cầu về hóa đơn khi tự mua thuốc ở ngoài theo dự thảo.
Vị bác sĩ này dẫn chứng tình trạng khan hiếm thuốc Albumin (có trong danh mục BHYT), khiến không ít bệnh nhân xơ gan phải tự mua thuốc ở ngoài. Trong khi đó, loại thuốc này có giá thành khoảng 800.000 đồng/lọ.
Tuy nhiên, khi mua thuốc ở quầy hầu như không có hóa đơn đúng quy định.
Mỗi ngày, bệnh nhân có thể phải dùng đều 2 lọ thuốc như vậy. Đây là gánh nặng kinh tế rất lớn cho bệnh nhân nếu tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn hay không thể thanh toán quyền lợi BHYT do thiếu hóa đơn hợp lệ.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, trong dự thảo mới đây của Bộ Y tế, chưa có quy định cụ thể về các trường hợp phải tự mua thuốc và vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm ở ngoài do thiếu thuốc và vật tư trong các năm về trước.
Tuy nhiên, vị luật sư này nhận định nếu người dân đáp ứng được các điều kiện nêu trong dự thảo thì quyền lợi của người dân chưa được thực hiện trước đó vẫn có thể được giải quyết.
“Mặt khác, thông tư này mới chỉ là dự thảo và vẫn đang trong quá trình xin ý kiến của các bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan để hoàn thiện.
Vì vậy, văn bản này chưa có hiệu lực áp dụng nên không thể khẳng định rằng người dân sẽ bị mất trắng số tiền đã bỏ ra để mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài”, luật sư Tiền phân tích.
Luật sư Tiền cũng khuyến cáo, đối với người tham gia khám chữa bệnh BHYT cần giữ lại các hóa đơn, giấy tờ khi mua thuốc để làm căn cứ xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội để được hoàn trả.
“Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi BHYT của những người bệnh. Vì vậy, cần có giải pháp kịp thời để quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia BHYT được đảm bảo”, luật sư Tiền nhấn mạnh.
Người bệnh cấp cứu giữa đêm, không có tiền rất khó khăn khi tự mua thuốc
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đề xuất của Bộ Y tế hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Việc người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Người bệnh không chỉ tự “bỏ tiền túi” để mua thuốc mà còn dễ gặp các rủi ro như: chất lượng thuốc khó đảm bảo, giá thuốc bất hợp lý… làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và an toàn điều trị của người bệnh.
“Chưa kể, nhiều trường hợp bị bệnh nặng, cấp cứu không có người thân đi cùng, thời điểm giữa đêm khuya hoặc người bệnh không có tiền… sẽ rất khó khăn trong việc phải tự đi mua thuốc, vật tư y tế”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu.
Dù cơ quan Bảo hiểm xã hội có cố gắng đến mấy vẫn không thể thanh toán trực tiếp ngay cho người bệnh vì người bệnh sau khi kết thúc đợt khám chữa bệnh mới nộp hồ sơ đề nghị thanh toán.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm phải có thời gian để giám định xác định chi phí thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT thì mới thực hiện thanh toán được cho người bệnh.
Quy định này đã phá vỡ ý nghĩa về chia sẻ rủi ro của BHYT, gây mất niềm tin của người tham gia BHYT.
dantri.com.vn