Ung thư là căn bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có chế độ ăn uống không lành mạnh. Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có ảnh hưởng quan trọng, giúp hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh ung thư.
1. Ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ ung thư
Dinh dưỡng tốt giúp duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và cân nặng khỏe mạnh. Những gì chúng ta ăn có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính như bệnh tim, đái tháo đường và ung thư.
Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư và béo phì, nguyên nhân gây nhiều loại bệnh trong đó có ung thư. Ngoài ra, lối sống ít vận động thể lực, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ung thư.
Bằng chứng cho thấy thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư. Mới đây, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, đã đưa ra một báo cáo về các loại thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư đại trực tràng.
Theo cơ quan này, thịt đã qua chế biến là thịt đã được biến đổi thông qua ướp muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc các quy trình khác để tăng hương vị hoặc cải thiện khả năng bảo quản. Khi ngừng ăn thịt chế biến sẵn, bạn đã cắt giảm các hợp chất có khả năng gây ung thư cũng như giảm lượng chất béo bão hòa nạp vào cơ thể.
Đường bổ sung và các chất làm ngọt có hàm lượng calo cao khác thường được sử dụng trong đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh… gây thừa cân, béo phì, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và nhiều loại ung thư. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia cũng làm tăng nguy cơ ung thư miệng, thực quản, gan, đại trực tràng…
Các loại thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư đại trực tràng.
Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Tiêu hóa, BVĐK Xanh Pôn, ung thư đại trực tràng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư nói chung. Tại Việt Nam, căn bệnh này có xu hướng ngày càng tăng do thói quen ăn uống không lành mạnh, thực phẩm nhiễm hóa chất…
Yếu tố môi trường đặc biệt là thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong sự hình thành ung thư đại trực tràng. Bệnh có liên quan đến chế độ ăn giàu năng lượng, nhiều dầu mỡ nhưng thiếu các chất xơ như rau xanh, trái cây tươi…
2. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Nghiên cứu cho thấy, các thực phẩm có nguồn gốc thực vật cung cấp hàng ngàn chất phytochemical, là những hợp chất thực vật tự nhiên chứa nhiều chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ và phục hồi DNA bị tổn thương của cơ thể.
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể và trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào nên có thể làm giảm nguy cơ tế bào đột biến do bị hư hại và trở thành ung thư.
Các vitamin và khoáng chất trong rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và đậu cũng giúp sản xuất, phục hồi DNA và kiểm soát sự phát triển của tế bào. Một số loại thực phẩm có thể có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến các loại ung thư, cụ thể như thực phẩm thực vật có chứa nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Ăn nhiều thực phẩm như rau, trái cây, cá, và chất xơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, phổi và ung thư vú.
Tác dụng chống oxy hóa mạnh của lycopene trong thực vật có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ở thận bằng cách hạn chế sự phát triển của khối u.
2.1. Rau lá xanh
Rau lá xanh là nền tảng của một chế độ ăn uống lành mạnh vì chúng đặc biệt giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và enzyme, nhưng lại rất ít calo, chất béo, natri. Các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, xà lách, cải xoong… rất giàu chất chống oxy hóa, được biết là có tác dụng chống ung thư, bao gồm vitamin C và beta-carotene.
Rau họ cải là nguồn dinh dưỡng đậm đặc của một họ hóa chất thực vật gọi là isothiocyanate có liên quan đến việc ngăn ngừa ung thư. Bắp cải và bông cải xanh cũng chứa sulforaphanes và indoles – hai loại chất chống oxy hóa mạnh và chất kích thích enzyme giải độc bảo vệ cấu trúc DNA.
2.2. Rau quả có màu cam rực rỡ
Các sắc tố có màu sắc rực rỡ được tìm thấy trong thực phẩm thực vật là một dấu hiệu chắc chắn rằng chúng chứa các chất hóa học thực vật, đặc biệt là chất chống oxy hóa carotene. Carotenoid (alpha-carotene, beta-carotene, lycopene, lutein, cryptoxanthin…) là dẫn xuất của vitamin A được tìm thấy nhiều trong trái cây họ cam quýt, quả mọng, bí ngô, khoai lang, cà rốt… và các loại thực phẩm thực vật khác.
Một trong những chất được nghiên cứu nhiều nhất là beta-carotene, một chất dinh dưỡng thiết yếu cho chức năng miễn dịch, giải độc, sức khỏe của gan và chống ung thư da, mắt.
2.3. Quả mọng
Quả mọng là một trong số các loại thực phẩm chống oxy hóa hàng đầu. Các loại quả mọng như việt quất, dâu tây, anh đào, mâm xôi… đặc biệt giàu chất chống oxy hóa proanthocyanidin, đã được quan sát thấy có đặc tính chống lão hóa trong một số nghiên cứu trên động vật và có khả năng làm giảm tác hại của các gốc tự do. Ngoài ra chúng còn chứa một lượng lớn phenol, zeaxanthin, lycopene, cryptoxanthin, lutein và polysacarit.
Quả mọng giàu chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư.
2.4. Quả hạch và hạt
Nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ các loại hạt và phòng chống ung thư như giảm nguy cơ ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Hạt chia, hạt lanh, hạt hướng dương, hạnh nhân, quả óc chó… chứa nhiều axit béo có lợi cho sức khỏe. Hạt chia rất giàu axit alpha-linolenic (ALA), một loại axit béo omega-3 có khả năng hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư vú và cổ tử cung.
2.5. Trà xanh
Tất cả các loại trà truyền thống đều có lợi cho sức khỏe nhưng trà xanh có tác dụng đáng kể nhất vì nó chứa tỷ lệ cao nhất các hợp chất polyphenolic, catechin, gallocatechin và EGCG.
Các hợp chất polyphenolic, bao gồm epigallocatechin-3-gallate có tác dụng ức chế sự xâm lấn của khối u. Chất chống oxy hóa EGCG là chất mạnh nhất có hoạt tính hiệu quả có liên quan đến sự điều biến của nhiều con đường truyền tín hiệu, cuối cùng dẫn đến sự điều chỉnh giảm biểu hiện của các protein liên quan đến sự xâm lấn của các tế bào ung thư.