(Dân trí) – Sau khi từ Hàn Quốc về Việt Nam, người phụ nữ bất ngờ xuất hiện tình trạng sốt cao, ho dữ dội và thở khó, phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết, gần đây đơn vị đã tiếp nhận điều trị cho trường hợp của chị H.C.L. (40 tuổi, ngụ TPHCM).
Chị L. nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho dữ dội và thở khó. Được biết, các biểu hiện này chỉ mới xuất hiện trong 3 ngày trước, thời điểm người phụ nữ trở về Việt Nam từ chuyến du lịch Hàn Quốc. Ngay khi được đưa vào khoa Cấp cứu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm phổi do phế cầu khuẩn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng, BV ĐHYD TPHCM cho biết, virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua nhiều con đường khác nhau, như đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tình dục hoặc các vector truyền bệnh. Trong đó, phổ biến nhất là các bệnh do nhiễm trùng đường hô hấp mà điển hình là cúm và phế cầu.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân khám sức khỏe cho bệnh nhân (Ảnh: BV).
Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm A hoặc cúm B. Mỗi mùa dịch có khoảng 3-5 triệu ca bệnh nặng, với 290.000-650.000 ca tử vong. Ước tính, cúm chiếm tới 2% nguyên nhân tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp.
Ngoài ra, nhiễm khuẩn phế cầu cũng là bệnh lý đường hô hấp gây gánh nặng bệnh tật lớn. Ước tính trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 600.000 ca nhiễm khuẩn phế cầu mới và trung bình khoảng 1,6 triệu ca tử vong. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm màng não ở trẻ em và người lớn.
Bác sĩ Luân cho biết thêm, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Trong đó, người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn trên 60 tuổi, người có bệnh mạn tính, chưa được tiêm phòng, đi du lịch đến những khu vực có mầm bệnh và ngay cả các nhân viên y tế cũng thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.
Người dân đi tiêm vaccine tại TPHCM (Ảnh: HCDC).
Vì vậy, việc tiêm vaccine trước khi đi du học hoặc du lịch nước ngoài là sự chuẩn bị quan trọng, để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh truyền nhiễm, vì mỗi quốc gia sẽ có những yếu tố môi trường và y tế khác nhau. Đôi khi, có những bệnh lây nhiễm mà cơ thể chưa từng tiếp xúc hoặc không có miễn dịch.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng Đơn vị tiêm chủng bệnh viện nêu trên chia sẻ, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm sai lầm trong việc tiêm vaccine trước khi đi nước ngoài. Điển hình trong số đó là việc tiêm vaccine sát ngày khởi hành.
Bác sĩ Minh hướng dẫn, thời điểm tốt nhất để tiêm vaccine trước khi đi nước ngoài phụ thuộc vào loại vaccine và điểm đến. Tuy nhiên, một số vaccine đòi hỏi đủ liều và thời gian để có đủ kháng thể bảo vệ. Do đó, nên bắt đầu chuẩn bị sớm và tiêm ít nhất 4 ngày trước ngày khởi hành.
Ngoài ra, người chuẩn bị đi nước ngoài cần cập nhật tình hình dịch bệnh tại khu vực mình sắp đến, để có kế hoạch tiêm chủng đầy đủ theo quy định của nước đó.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh lưu ý, người tiêm chủng cần tuân thủ lịch tiêm chủng cụ thể cho từng loại, giúp cơ thể có đủ thời gian để hình thành miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài.
dantri.com.vn