Nấm hương là một trong số những loại nấm ‘khả thực, khả bổ, khả dược” (ăn được, bồi bổ được, có thể dùng làm thuốc) có tác dụng phòng bệnh, tăng cường sức khỏe.
1. Công dụng của nấm hương
Nấm hương có hình dạng như cái ô (gồm mũ nấm và cuống nấm). Cuống nấm hình trụ nhưng hơi dẹt, phía trên hơi rộng, có phủ lớp vẩy dạng lông. Mũ nấm hình bán cầu dẹt, đường kính có thể lên tới 10 cm, màu nâu đen và phủ mụn trắng khi còn non, sau đó có màu nâu vàng, rồi chuyển sang màu vàng mật ong. Nấm càng già thì màu càng nhạt. Khi khô, nấm có mùi thơm nên gọi là “nấm hương”.
Trong các Y thư cổ, nấm hương được mệnh danh là “vua của các loài rau”, “hoàng hậu thực vật”.
Dược liệu tính bình, vị ngọt, lợi về các kinh tỳ, vị, phế; có công dụng bổ tỳ, ích phế, dưỡng huyết, hòa huyết, tiêu đàm, kháng ung.
Nấm hương
Các kết quả nghiên cứu hiện tại cho thấy: Nấm hương có tác dụng điều tiết chuyển hóa, tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, phòng ngừa sỏi mật và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa… Là loại thức ăn lý tưởng đối với những người thiếu máu do thiếu sắt, tăng huyết áp , đái tháo đường, rối loạn lipid máu, suy dinh dưỡng trẻ em…
Trong nấm hương có một loại nucleic acid (chất dẫn xuất của adenine), có tác dụng đặc thù làm giảm mỡ máu . Chất này còn có tác dụng ức chế không cho cholesterol trong huyết thanh và trong gan tăng cao, lại có khả năng chống xơ cứng động mạch, còn có tác dụng giảm huyết áp.
Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, người bị tăng lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường và tăng huyết áp, liên tục sử dụng chất lentysin chiết xuất từ nấm hương, với liều 300mg/ngày, sau 15 tuần lượng triglyceride, phosphoric acid, tổng lượng lipid, cũng như lượng chất béo tự do đều giảm.
Sau khi dừng thuốc, lượng chất béo trong máu hơi tăng lên, nếu tiếp tục sử dụng lentysin thì lại giảm xuống. Điều quan trọng là có thể sử dụng lâu dài mà không ảnh hưởng tới chức năng gan.
Hạt kê
2. Một số món ăn bài thuốc thường dùng từ nấm hương
– Rượu nấm hương: Nấm hương 50g, chanh 3 quả (để cả vỏ, rửa sạch, thái lát), mật ong 150ml; ngâm trong 1,8 lít rượu trắng, sau 1 tháng có thể sử dụng.
Loại rượu này có tác dụng hỗ trợ trị liệu dùng cho người bệnh mỡ máu cao và tăng huyết áp.
– Cháo nấm hương: Nấm hương 50g, hạt kê 50g. Nấm hương ngâm rửa sạch, cắt nhỏ. Nấu cháo kê trước rồi cho nấm hương vào nấu cùng, nêm gia vị vừa đủ. Ngày ăn 3 lần, ăn nóng vào lúc đói bụng.
Món cháo này có tác dụng bổ tỳ ích vị, thông khí khai uất; có ích cho người đau dạ dày , ăn uống không tiêu, người khí hư, ăn uống kém và các bệnh ung thư sau mổ.
– Canh nấm hương: Nấm hương tươi 100g, dùng dầu thực vật xào gần chín, thêm nước canh gà vào nấu thành canh ăn.
Món canh này có tác dụng hạ mỡ máu, dùng cho người bệnh tăng huyết áp , xơ cứng động mạch, đái tháo đường.