(Dân trí) – Theo nhận định của chuyên gia, việc ăn thịt chó có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe, đặc biệt là khi nguồn gốc thịt chó ở nhiều nơi còn mập mờ.
Trời chuyển lạnh, thịt chó và rượu trở thành món nhậu ưa thích của nhiều quý ông. Các món nóng chế biến từ thịt chó như rượu mận, lẩu chó, chả chó đặc biệt “đắt hàng” trong kiểu thời tiết này.
Thịt chó được ưa thích bởi hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao và giá thành hợp lý. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia, việc ăn thịt chó có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe, đặc biệt là khi nguồn gốc thịt chó ở nhiều nơi còn mập mờ.
Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một trong những nguy cơ lớn nhất đến từ việc ăn phải chó bị bắt trộm bằng cách đánh bả.
Các món nóng chế biến từ thịt chó như rượu mận, lẩu chó, chả chó đặc biệt “đắt hàng” trong kiểu thời tiết này (Ảnh: Getty).
“Không ít chó ở các cửa hàng có nguồn gốc từ chó bị bắt trộm. Nhiều trường hợp kẻ trộm sử dụng phương pháp đánh bả để trộm chó. Khi người tiêu dùng ăn chó bị đánh bả sẽ có nguy cơ rất lớn”, BS Thiệu phân tích.
Theo chuyên gia này, bả chó thường có chất Cyanua, đây là chất kịch độc. Trong quá trình nấu ăn, nhiệt lượng khiến Cyanua chuyển thành axit cyanhydric (HCN). Đây cũng là một chất rất độc, gây nguy hiểm với người tiếp xúc trực tiếp.
Khi ăn thịt chó nhiễm độc sẽ gây rối loạn tiêu hóa, trường hợp xấu, còn có thể bị ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch.
Bên cạnh nguy cơ này, theo BS Thiệu, cơ thể chó là nơi trú ngụ của nhiều mầm bệnh nguy hiểm như: giun đũa, sán, vi khuẩn E.Coli, đặc biệt là virus dại (nếu chó bị dại). Trong trường hợp thịt chó chưa được nấu chín kỹ, người ăn có thể bị nhiễm các mầm bệnh này.
BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Bệnh dại có thời gian ủ bệnh rất dài, có thể lây bệnh 3-7 ngày từ trước khi vật nuôi có biểu hiện bệnh và tiếp tục có khả năng lây lan khi đã phát bệnh. Người đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong lên đến 100%”, BS Thiệu chia sẻ.
Không chỉ người ăn thịt chó, theo BS Thiệu, trong quá trình giết mổ, chế biến nếu không may có vết thương hở trên da (ví dụ bị xước tay) sẽ tạo “cửa ngõ” cho các mầm bệnh ở thịt chó thâm nhập vào cơ thể.
“Chó là động vật ăn tạp, có thể ăn cả rác. Do đó, thịt chó có nguy cơ cao tiềm ẩn nhiều loại ký sinh trùng. Nhiều loại giun sán từ chó không chỉ ký sinh ở ruột mà còn có thể di chuyển và tấn công vào nhiều cơ quan khác như: phủ tạng, mắt, não và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh”, BS Thiệu thông tin.
Ngoài ra, theo BS Thiệu, ăn quá nhiều thịt chó cũng là nguyên nhân gây ra bệnh gout, béo phì, mất cân bằng điện giải, nước.
Đặc biệt, BS Thiệu cảnh báo, phụ nữ có thai nên hạn chế ăn thịt chó. Khi lạm dụng có thể dẫn đến dư thừa protein. Lượng protein dư thừa mà cơ thể không hấp thụ hết sẽ làm tăng lượng acid uric trong máu. Acid uric là chất xúc tác thúc đẩy quá trình ion muối, tác nhân gây ra tình trạng tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là một tình trạng nguy hiểm với sản phụ và thai nhi, có thể gây ra tiền sản giật.
Cũng theo TS Trần Xuân Nguyên, Trưởng ban chuyên môn, Hội Đông Y Việt Nam, có nhiều lời đồn thổi cho rằng, ăn thịt chó, mèo bổ dưỡng và có thể chữa bệnh.
“Thực tế, thịt chó, mèo không có tác dụng bổ dưỡng nhiều như mọi người nghĩ. Theo y học cổ truyền, thịt chó, mèo không phải là “thần dược” chữa bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, chữa hen…
Bên cạnh đó, cũng không có bằng chứng cho rằng thịt chó hỗ trợ tăng cường sinh lý nam, cao xương mèo hỗ trợ các bệnh lý xương, khớp”, ông Nguyên cho hay.
dantri.com.vn