Không muốn làm người thân ở Hà Nội lo lắng, D.M.T. quyết định giữ kín việc trở thành F0, một mình cách ly và điều trị tại nhà ở TP.HCM.
D.M.T. (23 t.uổi, ngụ quận Bình Thạnh) phát hiện mình mắc Covid-19 vào ngày 29/8. Sau khi liên hệ với Trung tâm Y tế địa phương, cô được cách ly và điều trị tại nhà. Ngày 22/9, cô nhận kết quả âm tính lần thứ 3 và đang chờ chứng nhận hoàn thành cách ly tại nhà từ Trung tâm Y tế địa phương.
Ngày thứ 4 sau khi dương tính với Covid-19, tôi nhận cuộc gọi video từ mẹ. Dù chỉ thấy nhau qua màn hình điện thoại, mẹ vẫn nhìn ra nét xanh xao, mệt mỏi trên gương mặt tôi.
“Con khỏe, vẫn làm việc tại nhà như bình thường. 2-3 hôm nay công việc hơi áp lực nên nên trông con hơi đuối thôi. Cả nhà đừng lo nhé”, tôi trấn an mẹ như mọi ngày.
Vừa cúp máy, tôi thở phào nhẹ nhõm vì kịp dọn dẹp nhà cửa, cất thuốc men và nồi xông trên bàn đi trước khi nghe điện thoại.
Với tôi, việc tự cách ly, điều trị tại nhà trong khi giấu giếm gia đình chẳng hề dễ dàng. Nhưng tôi quyết một mình chống chọi bệnh tật vì không muốn người thân ở xa lo lắng.
Sợ hãi
Tháng 3 năm nay, tôi từ Hà Nội khăn gói vào TP.HCM làm việc theo sắp xếp của công ty. Tôi đã hy vọng rằng chuyến đi này sẽ đem lại nhiều trải nghiệm, song mọi thứ lại tan vỡ vì Covid-19.
Từ cuối tháng 5 tới nay, tôi dành phần lớn thời gian làm việc tại nhà, chủ yếu đặt đồ ăn ngoài và đi chợ online.
Do sống một mình ở một thành phố lạ, tôi cố gắng tự chăm sóc sức khỏe cẩn thận. Mỗi ngày, tôi đều theo dõi tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, đeo khẩu trang và sát khuẩn mỗi khi nhận đồ ship, hạn chế việc ra khỏi nhà.
D.M.T. băn khoăn, lo lắng khi nghĩ tới viễn cảnh gia đình ở xa biết cô mắc Covid-19.
Khoảng cuối tháng 8, bạn cùng nhà của tôi có triệu chứng ho, song cả 2 không mảy may nghi ngờ nguy cơ mắc Covid-19.
Ít ngày sau, tôi cũng xuất hiện tình trạng đau họng lạ thường nên quyết định tự test nhanh tại nhà.
Thực tế, tôi khá tự tin rằng mình sẽ âm tính với SARS-CoV-2 sau hàng loạt biện pháp bảo vệ sức khỏe trước đó.
Tuy nhiên, nhìn que thử đổi màu ở vạch T, tôi lạnh run người.
Lúc ấy, tâm trí tôi rối như tơ vò. “Mình thực sự dương tính rồi sao? Liệu kết quả có sai không? Mình có phải đi cách ly không? Có khi nào mình sẽ trở nặng ngay đêm nay không?”.
Tôi từng đọc nhiều bài chia sẻ từ các F0 ở TP.HCM, thậm chí nơi sống cũng có 3-4 hộ dương tính nhưng chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi như vậy.
Quá hoảng sợ, tôi liền gọi điện cho một người bạn rồi bật khóc. Sau một hồi trò chuyện, tính toán các bước giải quyết, tôi dần bình tĩnh hơn.
“Vậy T. gọi cho gia đình chưa?”, người bạn ấy hỏi.
Ban đầu, tôi định kể với bố mẹ vì bản thân không giỏi giữ bí mật, lại không biết cách điều tiết cảm xúc nên dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Nhưng nếu nói chuyện này ra, có lẽ cả nhà sẽ thấy sợ hãi, lo lắng hơn nữa, nhất là khi không thể trực tiếp chăm sóc con vì khoảng cách địa lý.
Cuối cùng, tôi chọn cách giấu kín chuyện mắc Covid-19 với gia đình, quyết tâm tự điều trị tại nhà.
Thấy có lỗi khi giấu người thân
Sau khi có kết quả dương tính, tôi lập tức liên hệ với Trạm Y tế Phường 1 (quận Bình Thạnh) để khai báo và tư vấn phương pháp điều trị. Ngoài ra, tôi cũng nhờ bạn bè mua giúp một vài loại thuốc, thực phẩm bồi bổ trong những ngày tới.
Do đã tiêm một mũi vaccine trước đó, các triệu chứng của tôi chỉ dừng lại ở đau rát họng, sổ mũi. Tôi bắt đầu điều trị theo triệu chứng từ ngày thứ 1 cho đến ngày thứ 3, kết hợp xông sả, gừng mỗi buổi tối.
D.M.T. được bạn bè và đồng nghiệp hỗ trợ một số loại thuốc để điều trị Covid-19 tại nhà.
Ngoài ra, tôi cũng kết hợp tập thở 3 lần/ngày, chia bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và tăng cường ăn hoa quả, uống vitamin C để nâng cao sức đề kháng.
Thế nhưng, tôi bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề kể từ khi biết mình mắc Covid-19. Tôi lo lắng, sợ hãi, khó ngủ và bật khóc mỗi lần nghĩ tới viễn cảnh sức khỏe xấu đi khi chỉ có một mình.
Ngày thứ 4, tôi tỉnh dậy sau một đêm trằn trọc và nhận ra mình không thể ngửi hay nếm được bất kỳ vị gì nữa. Với tôi, mất khứu giác, vị giác và khó thở là các giai đoạn khó khăn nhất trên hành trình chống chọi Covid-19.
Để giải tỏa căng thẳng, tôi gọi điện cho bạn bè thường xuyên hơn, chia sẻ những phiền muộn và tìm niềm vui, sự động viên từ họ. Tôi cũng nhắn tin cho bố mẹ nhiều hơn, chủ yếu khoe về các món ăn mình nấu trong ngày.
Mỗi lần người thân gọi video, tôi lại tìm đủ lý do tránh né như đang dở công việc, dọn dẹp nhà cửa… để dời sang hôm khác. Dù thấy có lỗi với bố mẹ, tôi vẫn làm vậy để giữ kín bí mật này.
Sau 2 tuần tự điều trị Covid-19 tại nhà, D.M.T. nhận kết quả âm tính với Covid-19, song chưa đủ can đảm kể với người thân.
Nhờ sự tư vấn từ một bác sĩ và động viên từ bạn bè, các triệu chứng Covid-19 của tôi thuyên giảm sau 7 ngày điều trị, tinh thần cũng thoải mái, tích cực hơn nhiều. Tôi không tiếp tục uống thuốc, chỉ tập thở, bổ sung vitamin C và ăn uống điều độ nhằm nâng cao sức khỏe.
Tới ngày 9/9, tôi nhận kết quả âm tính khi tự test nhanh tại nhà. Cảm giác khi nhìn vạch C đỏ chói hiện trên que thử khiến tôi như trút hết gánh nặng trên vai. Lúc ấy, tôi định kể hết mọi thứ cho gia đình, nhưng lại quyết định im lặng để chờ sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Ám ảnh hậu Covid-19
Trên chặng đường hồi phục, tôi gặp phải một số di chứng hậu Covid-19. Thỉnh thoảng, tôi sẽ cảm thấy tức ngực, hụt hơi dù không làm việc nặng; vị giác và khứu giác mất gần 14 ngày để phục hồi.
Ngoài ra, ám ảnh tâm lý sau khi mắc bệnh cũng là trở ngại lớn. Sau khi nhận kết quả âm tính lần 2, tôi bị đau họng trở lại. Khi ấy, tôi nghĩ rằng mình chưa khỏi bệnh, hoặc tái nhiễm Covid-19 và rơi vào trạng thái hoang mang, kém ngủ trở lại.
May mắn thay, cơn đau họng hôm ấy chỉ kéo dài trong vòng 2 ngày. Ngày 22/9 qua, tôi nhận kết quả âm tính lần 3, đã liên hệ với Trạm Y tế phường 1 để làm thủ tục hoàn thành cách ly.
Tới lúc này, tôi vẫn băn khoăn không biết có nên kể chuyện cho gia đình biết hay không. Có lẽ, trải nghiệm mắc Covid-19 này sẽ trở thành bí mật với cả nhà. Tôi không mong bố mẹ sẽ buồn lo vì con gái ốm khi ở xa, càng không mong cả nhà sẽ có ám ảnh tâm lý.
Với tôi, mắc Covid-19 là cuộc chiến về cả sức khỏe và tâm lý. Nếu tâm lý không vững vàng, không lạc quan, có lẽ tôi sẽ khó lòng vượt qua những giai đoạn khó khăn của bệnh.
Tôi mong dịch bệnh ở TP.HCM sẽ sớm qua đi để có thể trở về nhà, đoàn tụ cùng gia đình sau trải nghiệm này.
Phương pháp xét nghiệm nhanh Covid-19 có độ chính xác 70%
Giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai cho biết người có xét nghiệm nhanh dương tính sẽ được đưa đi bệnh viện ngay lập tức vì độ chính xác của phương pháp này là 70%.
Chia sẻ sau cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chiều 25/5, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), nhận định virus SARS-CoV-2 đợt này có độ phát tán rất nhanh.
“Bình thường trong phòng thí nghiệm, khoảng 3-4 ngày mới mọc virus, nhưng lần này, ngày thứ 2, virus đã mọc rất nhiều nên độ phát tán mầm bệnh rất nhanh. Vì thế, với chủng khác còn nghi ngờ, nhưng chủng lần này nếu chậm là muộn”, bà Mai nói.
Nữ chuyên gia cho biết do đã có thông báo cách ly, việc thực hiện test nhanh theo từng cụm gia đình có thể được áp dụng.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chỉ đạo công tác xét nghiệm tại Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y tế.
“Có thể lấy mẫu bình thường và trộn theo môi trường để làm xét nghiệm gộp, môi trường nào dương tính thì xét nghiệm kỹ. Những trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính, vẫn làm mẫu gộp và đem về xét nghiệm rRT-PCR. Như vậy, trong một ngày, chúng ta sẽ làm được rất nhiều xét nghiệm”, bà nói.
Tuy nhiên, theo GS Mai, vấn đề là phải huy động thế nào, cách bố trí tổ chức để công tác thực hiện hiệu quả và an toàn.
“Tôi nhận thấy, 2 đội lấy mẫu và đội xét nghiệm nên hợp tác đi cùng nhau. Như hiện nay, ai ở đâu là ở nguyên đấy rồi nên như một hình thức đi ‘test dạo’. Hiện tại, chúng ta chưa thể nhận định được điều gì vì phải bắt tay làm mới nói tiếp được hiệu quả của test nhanh”, Giáo sư Mai nói thêm.
Ngày 26/5, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang bắt đầu triển khai phương pháp xét nghiệm này ở Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng.
Tại những khu vực này, người dân không tập trung mà được lấy mẫu theo đơn vị nhỏ. Mỗi đơn vị được phát trước phiếu điền thông tin, sau đó, cán bộ tới lấy mẫu từng nhà. Kết quả được trả sau 15 phút. Khi đó, gia đình nào có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được đưa đi bệnh viện ngay lập tức vì độ chính xác test nhanh là 70%.
Ngoài ra, bà Mai nhấn mạnh việc hướng dẫn một số nhóm người dân thử nghiệm tự lấy mẫu nếu triển khai tốt, ngành y tế cần nhân rộng.
“Video hướng dẫn lấy mẫu test nhanh đã có nhưng vẫn còn khá nhiều còn bất cập. Tôi muốn video phải có tiếng, hiện nay chỉ là chạy chữ. Video như thế chưa đáp ứng được yêu cầu”, GS Mai cho hay.
Trong đêm 25/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo Bắc Giang khẩn trương thí điểm việc hướng dẫn cho 100-200 công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19.
Cụ thể, ngành y tế chọn 100-200 công nhân tập trung tại khu nhà trọ (đảm bảo giãn cách) và xem video hướng dẫn test nhanh để tự lấy mẫu. Ông chỉ đạo kiểm tra 40.000 công nhân ở 3 khu trong 3 ngày gần đây. Trường hợp đã xét nghiệm tạm thời không kiểm tra lại để ưu tiên người khác.