(Dân trí) – Thời tiết lạnh miền Bắc cũng là thời điểm các bệnh lý đau nhức xương khớp diễn biến phức tạp. Số người bệnh nhập viện vì các bệnh liên quan đến xương khớp có xu hướng tăng.
Trong những ngày gần đây, thời tiết có xu hướng chuyển lạnh đột ngột nên lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại khoa Nội Thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có xu hướng gia tăng, trong đó có rất nhiều trường hợp bệnh mạn tính chuyển sang đau đợt cấp tính.
Đặc biệt các triệu chứng này hay xảy ra ở nhóm người cao tuổi, có xu hướng mắc bệnh thoái hóa khớp mạn tính nhiều hơn. Các triệu chứng thường gặp như tăng cơn đau nhức, cứng khớp, tê bì…
Bên cạnh yếu tố cân nặng, tuổi, thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống cơ xương khớp (Ảnh: Shutterstock)
ThS.BSNT Nguyễn Thị Minh Ngọc, khoa Nội Thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bên cạnh những yếu tố về cân nặng, di truyền, tuổi tác, thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống cơ xương khớp.
Những thay đổi về áp suất khí quyển khi thời tiết trở lạnh và độ ẩm tăng cao khiến gân, cơ, xương và mô sẹo co lại, đồng thời gây mất cân bằng tạm thời trong áp suất cơ thể, làm tăng độ nhạy cảm của các đầu dây thần kinh, tăng tình trạng đau cho người bệnh.
Nhiệt độ hạ thấp, đặc biệt thay đổi nóng lạnh đột ngột làm tăng độ đặc của dịch khớp, khiến các khớp trở nên cứng hơn và khó cử động hơn.
Bên cạnh đó, thời tiết lạnh làm cho cơ thể ngại vận động nên máu lưu thông kém đi, máu đến nuôi khớp giảm khiến sụn và màng hoạt dịch của khớp bị tổn thương làm cho các bệnh thoái hóa khớp mạn tính dễ bùng phát, đặc biệt là các khớp lớn. Thời tiết cũng ảnh hưởng đến tâm trạng do đó ảnh hưởng gián tiếp đến cảm giác đau.
Làm sao để giảm đau nhức?
Mặc dù khó tránh khỏi các đợt bùng phát cơn đau khớp theo mùa hoặc liên quan đến thời tiết, tuy nhiên, có một số cách có thể làm hạn chế tình trạng đau nhức xương khớp mỗi khi thời tiết thay đổi, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh.
Cụ thể:
– Giữ ấm cơ thể và tay chân: Theo BS Ngọc, phần lớn nhiệt bị mất đi ở tứ chi, vì vậy điều quan trọng là phải quàng khăn, đội mũ, đi giày và đeo găng tay.
– Duy trì thói quen tập thể dục: Mọi người có xu hướng di chuyển ít hơn vào mùa đông, nhưng duy trì hoạt động thể chất là điều quan trọng để kiểm soát tình trạng bùng phát đau nhức xương khớp.
Các bài tập rèn luyện sức mạnh và giãn cơ có thể giúp giảm đau và cứng khớp, cải thiện tầm vận động khớp, tăng chuyển hóa và mang lại năng lượng tích cực.
– Bổ sung vitamin D: Mọi người có xu hướng bị thiếu vitamin D trong mùa đông. Mức vitamin D thấp có liên quan đến tình trạng nhạy cảm với cơn đau hơn.
– Sử dụng liệu pháp nhiệt: Chườm ấm, tắm vòi sen và tắm bồn có thể giúp thư giãn các cơ và có thể cải thiện khả năng chịu đau.
Bác sĩ khuyên, nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ để có phương pháp kiểm soát các triệu chứng một cách an toàn.
dantri.com.vn