Cạo gió là cách chữa bệnh cổ xưa vẫn còn tồn tại cho đến hiện nay. Đây là phương pháp dùng tác động cơ học lên vùng nhức mỏi, giúp giảm co thắt cơ, đau nhức, giúp thư giãn…
Tác dụng của cạo gió
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết đánh gió (cạo gió) là hình thức khu phong trong Y học cổ truyền.
Cạo gió là một hình thức tác động cơ học lên vùng cơ bị nhức mỏi, kèm thêm tác dụng ấm nóng của tinh dầu (dầu xoa), mang đến hiệu quả giãn cơ, giãn mạch máu tại vùng đau nhức, gây giảm co thắt cơ, làm giảm đau. Ngoài ra, hương tinh dầu tác động qua da, qua khứu giác tạo cảm giác êm dịu thần kinh tại chỗ và toàn thân.
Một trong những vị trí cạo gió chính là hai bên dọc cột sống. Đây là vị trí tập trung của các huyệt Phế du, Tâm du, Cách du, Tỳ du, Vị du, Thận du, Đại trường du, Khí hải du, Tiểu trường du, Phách hộ, Cao hoang, Thần đường, Cách quan…
Tác động lên hai nhóm cơ cạnh sống lưng chính là kích thích lên hàng loạt các hoạt động của hệ thống lục phủ ngũ tạng của cơ thể. Điều này giúp cơ thể điều hòa lại sự mất quân bình khí huyết âm dương trong cơ thể, nâng cao chính khí.
Không dùng vật cứng, sắc để cạo gió (ảnh minh hoạ: Internet)
Bác sĩ Vũ phân tích phương pháp này có thể hỗ trợ cho việc điều trị các chứng sốt lạnh, nghẹt mũi, đau đầu, cứng cổ, đau thắt lưng…
“Thầy thuốc y học cổ truyền còn có thể sử dụng kỹ thuật xoa bóp, day, lăn, miết, bấm… hoặc giác hơi lên vùng lưng trong những trường hợp bệnh lý tương tự cũng đạt hiệu quả như cạo gió“, bác sĩ Vũ nói.
Lưu ý khi khi cạo gió
Theo bác sĩ Vũ, khi cạo gió cần lưu ý làm trong phòng kín, tránh gió lùa. Sau khi cạo gió xong nên giữ ấm cơ thể, tốt nhất ăn thêm một bát cháo hành giải cảm. Cạo gió thực sự hữu hiệu trong trường hợp cảm mạo thời tiết, nhiễm lạnh, nhức mỏi tay chân do làm việc quá độ. Trong trường hợp suy nhược vì một bệnh lý nào đó như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang… thì nên đến cơ sở y tế khám để có một chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp.
Bác sĩ Vũ cho biết cạo gió là phương pháp chữa bệnh cổ xưa, cần phải học để biết khi nào nên cạo gió khi nào không. Để cạo gió an toàn cần lưu ý:
– Không nên sử dụng dầu xoa có thành phần là tinh dầu bạc hà (menthol). Vì đây là tinh dầu có tính chất bốc hơi nhanh nên gây cảm giác mát lạnh. Khi xoa dầu, ban đầu cảm thấy ấm nóng nhưng một lúc sau thì cảm thấy mát và lạnh vùng được xoa dầu.
– Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió có thể dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu. Tốt nhất nên sử dụng vật cạo là củ gừng được cắt bằng ở đầu, dùng đầu gừng cạo.
– Không dùng lực tác động mạnh lên vùng cạo gió gây tổn thương da, dễ bị nhiễm khuẩn.
– Chủ yếu cạo hai bên đường dọc cột sống lưng. Không nhất thiết phải cạo đến đỏ bầm.
– Không nên cạo vùng cơ cổ.
Cách cạo gió đúng được bác sĩ Vũ hướng dẫn như sau:
– Dụng cụ: có thể dùng cám gạo, củ gừng tươi hoặc lá ngải cứu tươi, hoặc dùng vật không sắc cạnh là được.
+ Nếu dùng cám gạo: Lấy khoảng 100g rang nóng cho đến khi bắt đầu có khói đen, cho vào miếng vải, bóp chặt rồi chà xát.
+ Củ gừng tươi: giã nhỏ ở một đầu rồi chà xát.
+ Lá ngải cứu tươi: Xào lên thật nóng rồi đổ vào một chút rượu, cho vào miếng vải, bóp chặt rồi chà xát.
– Cách làm:
Thực hiện chà xát theo các đường sau:
+ Từ giữa trán chà xát ra 2 bên thái dương 3 lần.
+ Từ giữa trán chà xát dọc 2 bên sống mũi 3 lần.
+ Từ gáy chà xát đường dọc giữa và 2 bên cột sống 9 lần.
+ Từ gáy xát ra đỉnh vai 3 lần.
+ Xát các lòng bàn tay, bàn chân.
Lưu ý nếu dược liệu nguội thì cần rang nóng lại.